Chúng Ta Hiểu Gì Về Nhận Diện Thương Hiệu
Rất đơn giản để chúng ta bắt gặp những tiêu đề bài viết kiểu như “Những yếu tố tạo sự thành công nhận diện thương hiệu” hay “Cách để làm nên độ nhận diện thương hiệu ấn tượng hơn”, có thể là do khái niệm về Branding ngày càng phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu chính xác ý nghĩa, chức năng cũng như quá trình làm nên nét đặc trưng thương hiệu ấy. Sau đây là những điều cơ bản nhưng vô cùng quan trọng về nhận diện thương hiệu mà ai cũng nên nắm bắt
“Sức mạnh thương hiệu sẽ nâng tầm giá trị của sản phẩm và dịch vụ”
(Kotler & Keller, 2015)
Trước tiên, khái niệm nhận diện thương hiệu (Branding) nên được hiểu là quá trình hình thành ý nghĩa và mục đích thương hiệu của bất kỳ công ty, tập đoàn, doanh nghiệp nào. Hãy tưởng tượng mỗi công ty là một cá nhân và cách duy nhất để họ khác biệt là thông qua giọng nói, hình ảnh, tính cách, cũng như tầm nhìn. Chính vì vậy, để truyền tải đúng thông điệp thương hiệu, các marketer sẽ phải tính toán kỹ lưỡng nhằm đưa tới người tiêu dùng những trải nghiệm đáng nhớ, gây ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn sản phẩm của thương hiệu đấy hơn các đối thủ cạnh tranh.
Một điều chúng ta hay nghĩ tới rằng đối tượng trong chiến lược quảng bá thương hiệu là người dùng, nhưng ngoài ra, còn có cả các cổ đông, nhân viên và thậm chí là đối thủ trên thị trường. Với người tiêu dùng, nhận diện thương hiệu là lối tắt thúc đẩy họ đến quyết định mua bán dễ dàng và nhanh chóng, bởi mỗi một sản phẩm hướng tới đúng giá trị và ý nghĩa thương hiệu sẽ có lợi thế tạo dựng niềm tin và sự trung thành của họ tới nhãn hàng đó. Phải nói đến sự quan trọng của branding với hiệu ứng gia tăng danh tiếng vì đây là yếu tố ảnh hưởng đến quyền lợi và mục đích lâu dài của các cổ đông cũng như nhân viên nội bộ. Khi một thương hiệu ngày càng nổi tiếng thì đồng nghĩa với việc doanh thu sẽ tăng trưởng và bất cứ nhà đầu tư nào cũng mong muốn điều này. Bên cạnh đó, một thương hiệu thành công đồng thời củng cố nỗ lực, tinh thần làm việc và xây dựng một cộng đồng nhân sự tốt hơn.
Các bước làm nên độ nhận diện thương hiệu
Xác định giá trị cốt lõi
Đây là giai đoạn mà các thương hiệu tự hỏi những câu hỏi: Họ là ai? Mục đích thành lập là gì? Tại sao sản phẩm của họ lại phù hợp với nhu cầu và mong muốn của khách hàng? Khi trả lời được những vấn đề này, những thương hiệu đó sẽ có một cái nhìn rõ ràng về sự phát triển cũng như mục tiêu phấn đấu lâu dài
Tìm hiểu và tổng hợp thông tin
Tiếp đến với phần được cho là khô khan và nhàm chán, thì mỗi marketer và chủ thương hiệu cần nhận thấy sự quan trọng của việc nghiên cứu thị trường, tâm lý khách hàng, xu hướng, và những đối thủ hiện có sẽ góp một phần lớn ảnh hưởng tổng thể chiến dịch branding
Hình thành đặc tính thương hiệu
Hiểu đơn giản, giai đoạn này là lúc định nghĩa cho nhận diện thương hiệu, bởi đây là lúc xác định những đặc điểm nổi bật như giao diện, cá tính giúp khách hàng nhớ đến dễ dàng hơn. Vì thế, tạo ra bộ nhận diện thương hiệu sẽ được ưu tiên ở phần này, bao gồm có:
- Nhãn hiệu (Brand name): Phiên bản ngắn gọn và xúc tích của ý nghĩa thương hiệu
- Tiếng nói thương hiệu (Tone of Voice): Sử dụng đúng tông giọng tới nhóm đối tượng mục tiêu
- Định hướng hình ảnh (Visual Direction): Xây dựng phong cách, giao diện toàn diện
- Khẩu hiệu (Slogan): Thông điệp mang tính thay đổi và hành động tới các tệp khách hàng
- Thiết kế trải nghiệm (Customer Experience): Nắm bắt tâm lý và tình cảm trong vô thức
Tại sao nhận diện thương hiệu ngày càng được nhấn mạnh trong marketing?
Chúng ta đang sống ở thời đại mà ai ai cũng có thể trở thành nhà sáng lập thương hiệu, và đương nhiên, khi càng dễ, càng đông, thì cũng sẽ càng nhiều sự cạnh tranh khốc liệt. Do đó, branding ngày càng được tập trùng để tránh những bất lợi và bị mờ nhạt giữa các đối thủ. Ngay cả những cái tên lớn như Burberry, Facebook (đã đổi tên sang Meta), hay Energizer đã trải qua những cột mốc lột xác thông qua chiến dịch branding nhằm đưa đến những ý nghĩa thương hiệu phù hợp và đúng hơn với thế hệ người tiêu dùng mới.